Nhãn

Thứ Hai, 21 tháng 12, 2020

TIẾN TỚI ĐẠI HỘI

Hơn 44 năm tuổi đời, tròn 20 năm tuổi nghề, chưa kể 4 năm thử việc, trong 1 nghề đặc biệt và vất vả, thường xuyên phải làm việc trong điều kiện cực kỳ khắc nghiệt, hoàn toàn không có bảo hộ lao động, nhiều lúc phải hạ mình, nhẫn nhục như làm chính trị.
20 năm đã qua chưa bao giờ các thế lực thù địch ngừng chọc ngoáy, bội nhọ, hòng hạ uy tín cán bộ chủ chốt, song song đó vừa phải giữ mình giữa bao nhiêu mua chuộc, cám dỗ, hòng làm tha hóa người trong ngành.
20 năm chưa một phút bình yên, luôn phải khéo léo dân vận vượt qua thử thách, vừa tránh sự nghi ngờ của lãnh đạo, đôi khi phải cương quyết, khôn khéo khi lãnh đạo có những hành động lả lơi, buông lời đường mật trong điều kiện sức khỏe không cho phép.
Thôi, cũng coi như một dấu mốc trong cuộc đời, chấp nhận sinh nghề, tử nghiệp, dẹp chuyện Startup, tập trung cho 1 mục tiêu mà gia đình và dân tộc đã giao phó.
Chúc Đại hội thành công mĩ mãn, còn Lãnh đạo luôn anh minh, sáng suốt lèo lái Công ty 4 người đi hết từ thắng lợi này tới thắng lợi khác.
Cuối cùng, xin được chúc mừng bản thân đã có nhiều cố gắng mà tiến thêm 1 bước để Dậy thì thành cong, "thành cong, thành cong, đại và cong".
Happy anniversary wedding day to you and me, 14/12/2000.

Chủ Nhật, 28 tháng 6, 2020

CÂY XANH HÀ NỘI

Lạ lùng.
Người ta, những người tự cho mình là fan của Hà Nội, luôn ép hình dáng thủ đô yêu dấu theo 1 cách rất chung: dịu dàng và thơ mộng. Đó là tháp Rùa lung linh sáng trong đêm, là hồ Tây mờ ảo trong sương hay long lanh dưới ánh chiều ta, là mùi sưa đậm đà hay thướt tha những tà áo dài thong dong dưới những rặng cây phố cũ hay những quán ăn sập sệ, những quán hàng nóng ngốt, nhơ nhớp dưới những mái tôn, mái ngói.
Ừ. Công nhận Hà Nội rất hiền hòa, thành phố vì hòa bình mà lị.
Nhưng mấy ai nhận ra 1 Hà Nội rất dáng yêu giữa những ngày nắng nóng kinh hoàng.
Cái nóng của đường phố, của bê tông, hấp vào những bức tường cứ hầm hập tới tận nửa đêm, hun ấm cả 1 bồn nước rửa. Nền nhựa Asphalt bóng loang loang tựa tấm gương tráng lỗi, ảo ảnh cứ đong đưa và biến dạng không ngừng. Đến chiều tối, mấy mẹ con mới dám dắt nhau ra hóng mát, hoặc tưới những đám hoa héo rũ, lúc ý, những con gió cái đầu tiên của ngày mới chợt ùa qua, và không quên nhắc con trẻ chớ lười đi dép. Nền nhựa đường đôi chỗ chẩy nhão ra, mềm nhũn cũng không hợp với gan bàn chân người Hà Nội, trắng hồng và mỏng quẹt, chỉ quen xỏ trong giầy, mùa này mới miễn cưỡng bỏ ra đặt trên nền gạch bông mát mịn.
Cái nắng nóng của Hà Nội dí đầu mọi người chúi xuống mà không dám ngước lên tận hưởng bầu trời xanh với những gợn mây trắng, điều hiếm hoi và biến mất từ giữa mùa thu trước. Cái nóng không đòi hỏi nhưng chắc sẽ buồn với những kẻ vô ơn mà lãng quên nhanh. Mới sáng ra thôi, mặc tấm áo sơ mi vào, nhích từng tý một qua ngã tư, mồ hôi đã nhễ nhại, rỏ tong tỏng xuống mỏ ác, lấm tấm như cơm nguội dưới cùi tay, thấm đẫm cả nách lẫn bẹn. Nhưng tới trưa, dù bầu trời vẫn đứng im đó thì dòng người đã biến mất, giữa cái trong xanh của phố phường Hà Nội, cờ quạt, phông bạt có bạc màu vì nắng chói, nhưng đổi lại những kỵ sĩ độc hành cưỡi moto sẽ thấy cực kỳ hạnh phúc hít thở không khí trong lành, loãng khô nhưng đủ dùng. Cái chính là mồ hôi chẳng kịp ra nữa, chẳng kịp hôi như tên gọi của nó, mọi thứ có rỉn ra cũng tự bay hơi, đọng lại 1 lớp muối mỏng chỗ chân lông và ít váng trên da đầu dưới vành mũ.
Hà Nội không chỉ đặc trưng bởi những phố cổ phố cũ, nói vậy chung chung quá mà có khi vì cây. Giữa mùa hè râm ran tiếng ve mà chầm chậm thả ga dưới tán xà cừ hay sấu có cái thú của nó. Những nhà tâm lý học từ thời Pháp đã từng chứng minh người Hà Nội không đủ kiên nhẫn để đi bộ từ nhà tới trạm BRT gần nhất, dù cái bóng của xà cừ phủ kín cả 1 ngôi biệt thự. Họ cố gắng bù đắp cái nhược điểm ấy bằng loài cây họ lim, lá cứng và to, không héo úa dưới mặt trời dù lá non mới đâm chồi hay đã già, sắp gãy. Đến những chiếc lá rụng xuống không thấy vết răng sâu, cũng không chịu uốn mình dù chất diệp lục đã tàn úa, mà hình dáng chiếc lá chỉ còn hồn cốt, chúng anh dũng rã ra, giữ lại đường cong vênh nguyên thủy.
Những thân cây to, cao vút, che rợp cả 1 khoảnh chứ không lúp xúp như cụm bằng lăng yếu đuối và nhợt nhạt, cố lắm cũng chỉ vừa vặn đầu đít xe đỗ sát vỉa hè. Cao hơn chút là dãy phượng, hoa đỏ rực đốt cháy bầu trời, rực lửa 1 cách đĩ thõa, đã thế đám lá nhỏ phe phẩy để nắng xuyên qua dễ dàng như nước chảy qua lớp vải xô. Còn đám hoa xoan hay sưa lè tè, cánh hoa trắng nhỏ bết vào nhau như đồng lõa với cái nắng. Ấy vậy mà những cây rễ chùm ấy tới mùa bão lại ngả ra đường, đè nghiến lên mông 1 chiếc xe con, hay lả lơi dựa mình vào tường nhà hàng xóm, khiến người ta phải cưa cắt. Giữa cái nắng nóng, lúc cần nhất đám cành lá rậm rì thì chỉ còn trơ khấc thân cây khẳng khiu, què cụt.
Ừ. Có dở người thì những hiện tượng lặp đi lặp lại hàng năm ý vẫn sẽ diễn ra, nằm ngoài ý muốn, rồi nó sẽ trở thành 1 nét riêng, đặc sản mà nếu người Hà Nội mở lòng ra sẽ thấy cay cay mà cũng hay hay.
Rồi đây Hà Nội sẽ lại giống những năm 80 với cứt trâu, bò đầy đường, có khác chăng là ngồi trên chúng giờ là những anh còi ty hin, chân gần chạm đất, đầu cũng chẳng cao hơn nóc oto và mặc áo màu cứt ngựa.

Thứ Năm, 20 tháng 2, 2020

Dựng tượng làm gì?

Phía tây nước Đức có 1 thành phố nhỏ tên là Trier, trừ những người sống ở những nước Cộng sản thì còn tìm tòi nghiên cứu chứ bên Tây có khi ít biết, bởi đó là nơi sinh Karl Marx, người “có công” với thế giới CS chứ Tư bản thì không, với chính người Đức cũng chẳng.

Nhưng chính quyền thành phố vẫn cho dựng tượng, đồng ý quá trình xây dựng cũng nảy ra tranh cãi về kích cỡ tượng và chi phí xây dựng, dù có 1 phần tài trợ từ trung của. Nhưng giờ thì với người dân ở đây họ coi cũng bình thường, bởi đổi lại, thu nhập cho thành phố từ khách du lịch Trung quốc đi ngó và chụp ảnh với tượng là khá đáng kể.

Có lẽ vậy mà ở Nghệ An ta cũng học tập mà dựng tượng Lenin chăng, thế giới đang bỏ đi, ta thu thập về như 1 nghề truyền thống (ve chai đồng nát) vừa là 1 cách đầu tư, cho du lịch đã đành, nhưng buôn đồ cổ cũng đáng lắm.

Hẳn cả 1 vườn tượng đi, có khi về sau sẽ thu 1 mớ, con cháu ta thừa tiền mua lại Hoàng Sa cũng không biết chừng. Các cụ nhể?

Thứ Hai, 8 tháng 4, 2019

KINH

Như nhiều Doanh nghiệp lớn, các chùa chiền đều có liên quan tới đất rừng hay núi đá, nhiều công trình ảnh hưởng tới môi trường, thậm chí phá hoại cả những kiến tạo địa chất có hàng triệu năm tuổi.

Và cũng như những Tập đoàn, các chùa này luôn có biện pháp xử lý khủng hoảng truyền thông, mọi chiến thuật, kể cả bôi nhọ, nói xấu, nhằm khuếch trương, cạnh tranh giữ chân khách hàng, những con nhang đệ tử.

Nhiều người có thể cho rằng Mê tín dị đoan ngày nay đang đi ngược lại với Lý luận Mac Lê Duy vật biện chứng, nhưng không phải. Mà căn bản là các đồng chí thời kỳ đầu đã hy sinh giờ đầu thai vào chính những người suốt ngày ra rả tụng kinh giữa Nhà chùa hay trong quốc hội, họ đang trả nợ cho tiền kiếp của mình đấy.

Bản chất của Dân tộc ta đấy, Kinh, mà chả có gì là Kinh cả.

MỘT XÃ HỘI MAN RỢ

Một xã hội man rợ

Chuyện nữ sinh lớp 9 bị đánh, tôi không muốn xem, không muốn biết thêm, vì chỉ cần nghe lỏm tại quán nước, quán ăn là đủ thông tin, cái chính là sự ghê tởm, giận run người khi chứng kiến những hình ảnh người Việt, trẻ em Việt đánh nhau man dại, nhưng quan trọng nhất là quan sát ứng xử của người lớn.

Chuyện bọn trẻ đánh nhau không có gì mới, bao đời vẫn thế, nhưng 5 đứa đánh 1, lột trần, thì không chỉ dừng ở xâm hại thân thể mà còn có nghĩa sỉ nhục người ta.

Đứa quay cũng khốn nạn không kém, càng cách mạng 4.0 sẽ càng nhiều cảnh quay khốn nạn như này, nó adua a tòng như đa phần người Việt, nó cổ súy cho cái xấu, thờ ơ với những thân phận yếm thế.

Còn người lớn thì sao? Cô giáo có yêu cầu xóa clip là đúng, hành động duy nhất đúng, vì không muốn phát tán, không muốn gia đình và nhà trường thêm khó xử. Nhưng vì chạy theo "Thành tích", thứ khốn nạn nhất ở xã hội này, mà cả cô giáo và Nhà trường muốn ỉm đi, đáng lý phải gọi Công an vào xử lý toàn bộ những đứa tại lớp hôm đó chử chẳng chơi, cả Giáo viên chủ nhiệm và Hiệu trưởng, chứ không thể coi như chuyện bình thường ở huyện.

Việc "Xóa" tôi nói đúng vì sao? Vì ở cái xã hội này, người cảm thông hay có khả năng giúp đứa trẻ cực kì hiếm, người ta giờ nghi ngờ với bất kì Nạn nhân hay Thân phận Bất hạnh nào? Thậm chí nghi ngờ chính việc Tốt của mình. Số còn lại, rất tiếc lại là số đông, toàn bọn chia sẻ bằng mồn, vô tình nhân rộng cảnh quay nhậy cảm, trong số đó, nhiều kẻ không nói gì mà chỉ muốn zoom xem mông, xem vú, 5-10 năm sau lại lôi ra, cười khoái trá, chỉ chỏ "cháu nó kia kìa".

Tất cả, tất cả sẽ ám ảnh và thậm chí giết chết tương lai của nó, mặt mũi nào ra đường được nữa, nhẹ thì tự kỉ, nặng thì tâm thần, mà nói dại có khi quẫn trí.

Vậy nên các cha các mẹ ạ, không ai bảo các ac là người xấu, nhưng thà không nói gì lại là người tốt, đừng "nhạy cảm" quá mà biến thế giới quan xung quanh thành man rợ, đừng đẩy cháu bé tới bước đường cùng như 1 thế kỉ về trước.
Ts.

Thứ Hai, 18 tháng 3, 2019

CHUYỆN GIUN SÁN



Hồi bé, chúng ta nuôi cá phức tạp lắm, chả đơn giản như bây giờ với viên thức ăn tổng hợp đâu.

Trừ phi om cá chọi, cả tháng trời trong bề nước mưa đậy kín, hay chôn trong chum, gần như không cho ăn gì. Chúng tôi "chơi" cá chọi thực ra gọi cho mĩ miều chứ đúng ra ta Hành hạ nó, bỏ đói nó để khi thả chung 1 lọ, chúng lao vào nhau, mà bục, ăn vây ngấu nghiến. Con nào no quá có khi lại dát, vừa thả vào đã nhồng, vây cụp, thân  nhợt nhạt, trắng bệch.

Ngày ấy, chơi cá thì người ăn gì, cá ăn vậy, từ cơm nguội, sợi bún, hạt cơm, vụn bánh mì hay ít thịt rơi vãi trên mâm, mỗi tội nước nhanh thối. Nhiều khi nghĩ cũng khổ thân lũ cá. Thời bao cấp cả nước đói, nói gì đến cá.

Nhiều khi đánh được con muỗi trong màn, đập vỉ được con ruồi, vo ra con mọt gạo... lại thả vào lọ, có khi cả con cuốn chiếu, thế mà chúng cũng ăn, nhưng được 1 nửa thì bỏ bữa, chắc hóc.

Ấy là những món sạch sẽ nhất. Chứ nhiều hôm lật gạch bên đường, nhặt được con giun câu cá, tôi cấu nửa, thả vào cho chọi nó bục, nuốt vào tới bụng rồi mà mồm vẫn còn ngoe ngẩy phần đuôi giun.

Có hôm vác vợt uốn khung bằng sợi thép, lót vải xô ra vũng nước vớt hồng trần, cái giống này nó nhiều, đỏ, có khi lẫn con rệp nước, đốt chết cả cá vàng.

Cái giống Lăng quăng, bọ gậy là khó vợt nhất, thấy bóng người là chúng lặn hết xuống, mà có lúc nào ta cũng thả cá vào được đâu, có khi là lu, chậu, lốp xe với chậu cây si nhà hàng xóm chứ có phải nhà mình đâu. Món này chọi có vẻ khoái, cứ lừ lừ, bơi sát, theo con bọ gậy lên tận mặt nước rồi nhường hút sụt con ấu trùng muỗi vào bụng, ăn no căng, ánh mắt no nê, căng vây, đánh gương, bục đầu nhựa đường nhoay nhoáy.

Chơi cá, có lẽ món chúng thích nhất là giun đỏ, giun chùm, bọn giun quấn vào nhau như búi chỉ, mua ngoài chợ sạch đỏ không tí bùn nào, chứ tự ta cũng móc cống, móc rãnh là có được cả mảng. Cái giống này neo chân dưới bùn, đầu loe ngoe uốn theo dòng nước, bốc lên cả mảng, rũ rũ trong dòng nước cống cho đất tở ra từng phần, chứ không thể sạch bùn hẳn, cho vào lọ mang gọi là bữa tươi cho cá, như người thi thoảng được ăn phở vậy.

Giống giun này ngu, có thả trong bể cá chúng chui xuống cát được 1 lúc lại ngoi lên, toàn tự khai tôi ở bụi này, kiểu mình xưa ngâm đít trong chậu nước ấm để bắt giun kim í. Nhìn con cá kiếm, cá vàng nó giật cả tảng, lắc đầu thật mạnh cho con giun bật lên, cứ từ từ nuốt vào họng, giống đứa trẻ hút sợi bún vào mồm vậy. Ngon và bổ, cá cứ béo mập, ỉa đen sì cả đáy bể.

Tự nhiên chuyện giun sán dạo này nhắc tới chuyện lọc giun đỏ, bỗng thèm nhớ những trưa hè thẩn thơ lội nước.

Từ hồi ấy, từ những cán bộ 70 đổ lại, ăn bốc ăn bả mãi rồi, giun sán đầy người. Có hôm trở trời, ngồi tiếp chuyện đồng chí lãnh đạo, anh chỉ vài thái dương, lắc đầu mệt mỏi. Tôi vội hỏi "Vết đạn thời chiến hả anh". Anh bảo "Không sán+sản, mệt".

Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2018

SỐNG Ở NHÀ VỢ

[Sống ở Nhà Vợ]
(nhà vợ ở Hà Nội)

Ngày vợ đẻ, tôi theo vợ về chui gầm chạn. Sống trong môi trường xhcn ai cũng phải cố gắng hoàn thiện, vì vậy mà sau những lúc giặt giũ, lau nhà tôi lại vội chùi tay vào đít quần, lao lên phụ đạo cho em vợ.

Lại nói, nhà vợ có ku em trai kém tới mười mấy tuổi, hơn cháu mới đẻ cũng ngần đó tuổi. Cậu quý cháu gái lắm, tôi rất ưng, thế nên tôi hứa sẽ rèn rũa cho em nó thật hoàn hảo trước khi lấy vợ, tiếc là cứ đang giảng bài, em lại lao xuống tầng ăn hoa quả, và không trở lại.

Là con trai độc, béo tốt như em chã nên em nó ăn cực khỏe, nhoằng cái là hết con gà, nhưng em nó ăn dại lắm, toàn ăn đùi, lườn chứ đầu, cổ, cánh, chân với phao câu em nó để lại, khổ nỗi tôi lại không uống được rượu nên phần đó lại nhường cho chị của em nó hết. May quá, sau khi cắn, xé, nước luộc gà tứa ra bát từ màu vàng nhạt tới suộm mỡ hay lẫn màu máu cá, em nó đổ ngược vào đĩa gà, tưới lên đống xương xẩu còn lại, tôi vội chộp lấy thìa, lách vào đáy đĩa, rưới lên bát cơm của mình, ăn ngon lành.

Tủi thân lắm, hôm khác, em định phi đũa vào quả lườn, tôi rút đôi khác, kẹp chặt 2 mỏ, như chưởng Kim Dung rồi nhẹ nhàng ôn tồn phân tích:
"Em nhỏ nhất nhà, đầu bữa phải xo đũa, xo bát rồi mời bố mẹ và anh chị, chứ không nên để anh mời cơm xong lại chả còn gì để ăn.
Mà em cứ khai đũa bằng miếng rau đi, thịt không ăn vẫn còn đó, chứ anh nào dám gắp của em."
Thế là em nó gắp trước 1 cọng giá trước khi chiến tiếp cả con này.

Mưa dầm thấm lấu, hôm sau tôi lại bảo:
"Ra bàn trước, em phải xắp xếp mâm cơm cho hợp lý, bát nước mắm thì gần đĩa rau, đĩa muối súp thì gần con gà, tương ớt, tường cà thì sát bên súc sích... Để gắp gì chấm nấy, tay đưa ra hứng luôn vào bát, đừng rớt lên bàn như bắn pháo hóa, (may tôi kìm không nói hơn), tương ớt tưới lên rau muống thì ra làm sao, bát cơm cũng hứng lấy miếng thịt, đừng đuổi nhau trên mâm, buồn cười lắm, mà miếng ăn, em cứ thả vào bát, đừng đưa thẳng lên mồm, thế khác nào cả đĩa thịt là của em, cả nhà quây quần ngồi xem như khán giả."
Em nó có vẻ tâm đắc lắm, ăn uống chậm hẳn, hôm đó tôi được thêm miếng thịt đưa cơm, coi như cải thiện.

Trong nhà, bố mẹ có tuổi, nên tôi ngồi đầu nồi, mình thích mỗi cơm, không xơi thì ai, nên hướng dẫn em nó, xới 2 xới, gấp đôi xới cơm cúng, nếu nhão thì mở vung thêm, đầu tiên hớt 1 lớp gạt sang bên, xới cho người lớn trước, cơm rền ở giữa, ta lại lấp lớp cơm trên mặt xuống hố vừa đào cho chín thêm, tới lượt thứ 2 mới đánh và đảo, cho cơm tơi xốp, không đóng bánh. Nhưng em nó ngồi đầu kia, dường như không nghe thấy.

Cả cu em lẫn ông bà đều ăn ít cơm nên bát canh tôi để xa, thường những vật kiến trúc có chiều cao tôi để xa tầm với, thấp dần về phía người ăn, cuối bữa, ông cụ lăng bát cơm bên cạnh bát canh rồi từ từ múc. Ku em cũng vậy, 1 tay cớn qua mâm, thong thả chao muôi. Thê là cả nhà có 5 phút giải lao giữa bữa, nếu không cầm đũa thì tôi đã thò tay vào mồm kéo cái sơ rau ra, nhưng ngại và xấu hổ. Lần 2 tôi cũng lăng bát sang phái đối diện, đè lên tay em, tạo thành thế gọng kìm như Búa với Liềm vậy.
Cuối bữa tôi mới nhắc nhở:
"Em có sức khỏe, cầm bát không khó khăn gì, bố già rồi mới đặt bát xuống mâm, chứ em nên 1 tay cầm bát, 1 tay múc canh, thời gian có thể không hơn nhiều nhưng cả nhà đều thấy Em rất nỗ lực, cố gắng và "mong muốn" kết thúc quy trình, nhường sân khấu cho cả nhà. Thế có phải hay không."

Cuối tuần, đang ngồi xem tivi, vợ mới ghé tai:
"Giờ bữa cơm anh đừng nói gì nữa, anh nói thế khác nào nói ông bà".

Ừ nhỉ, thôi chết, mình vô í, vô tứ quá. Hết tháng đấy, vợ liền vết khâu, cả vợ chồng con cái lại kéo nhau về nhà nội, hết cuộc sống nhung lụa dưới gầm tủ lạnh. Mà ku em cũng ít được tiếp xúc với tôi, nhưng hy vọng là đủ, giờ em nó đi Tây rồi, tôi lại mong em nó tiếp tục sự nghiệp truyền bá văn hóa Việt trên trời Âu, thực là tự hào và sung sướng.