Thường để tôn vinh những người sống khôn chết thiêng, người ta hay dùng cụm từ Bà Cô, Ông Mãnh để chỉ. Không vội đề cập vấn đề Độc Cô Trinh nguyên, sống cả đời cô độc.
Bài viết này chỉ xin đề cập ý thứ nhất mà thôi.
Xưa, nhà có bà cô chắc thời trẻ cũng xinh nên đi học mà tán đổ ông chú từ thời còn cắp sách, còn bắt nạt tới tận bây giờ.
Ấy cũng là nhờ hồng phúc của gia đình mà ra trường, cô không đi làm, chỉ buôn bán đất cát nhì nhằng, còn lại chú nuôi.
Phải nói, cô gần như là hết lòng về chồng, về con, đặc biệt ở khả năng vun vén. Hàng ngày cô đi từ đằng trước ra đằng sau rồi lại từ đằng sau ra đằng trước, nhặt nhạnh, cất giữ. Mẹ chồng cách đó không xa nhưng cô cũng ít sang, sang thì ai trông nhà cho.
Chú thì thương cô, kiếm được, không muốn cô động chân động bàn tay củ chuối vào việc gì cả.
Căn nhà rộng trăm mét, 5 tầng, 3 mặt tiền, nhưng cô vẫn cho thuê phần phía sau làm cafe với cơm văn phòng. Thời kỳ đầu, quán đông khách lắm, từ sáng tới chiều, đến mức mấy quán sâu trong ngõ phải đóng cửa hết. Cho thuê thu tiền 1 cục nhưng nhìn chị chủ thu từng đồng hào lẻ vào cái bóp ú ụ trước bụng, trông cũng khoái mắt, chỉ muốn giật cho một cái.
Được thời gian, cô quan sát thấy hết, nắm vững kỹ năng pha cà phê với làm sinh tố, nên không cho thuê nữa, cô sửa sang lại chút rồi Tự mở. Nhưng cái sự đời nó không chiều người. Quán không vắng nhưng cái sự luộm thuộm khiến lãi chẳng bao nhiêu, lại mệt vì phải đứng cả ngày, giả vờ đon đả với khách thì chồng con bị bỏ đói. Thế là chú ép đóng cửa, Phản ứng quyết liệt nhất của chú từ ngày lấy vợ.
Buồn tình cô lại nghĩ tới chuyện cơi nới tầng trên, việc giám sát thì đúng là Nghề. Xong sân thượng, cô nuôi gà nuôi chó, ăn mãi thì cũng chán, cứ nuôi thôi, vì cô cũng chẳng cho ai nên đàn gà hôi hám xộc đủ các phòng nhà. Cứt chó, gà tắc cả ống thoát nước mưa.
Để nhân rộng, cô về quê quyết lập trang trại. Trước ông bà ở mảnh vườn rộng lắm, cô về quê nói sẽ xây cho ông bà cái nhà khang trang, 2 tầng, chính giữa mảnh đất. Cô thiết kế và thuê thợ, mua vật tư, hàng tháng vẫn cấu tiền của bà. Quyết toán có khi giá gấp 2-3 lần ngoài thị trấn, nhưng cô vẫn được tiếng thơm hiếu thảo. Nay nhà vẫn đó, nhưng cửa lung lay như bà lão, giột, thấm tứ phía, trần bê tông mà ọp ẹp, mùa hè thì nóng mà mùa đông lại lạnh. Chắc vậy nên ông bà cứ thích lên Hà Nội, về quê là y rằng ốm. Nhưng trên đó, đâu chỉ có cô, thế nên bà chỉ ở nhà cô mấy hôm rồi thì ở với bác cả và cậu út.
Ngày đó, lần nào về cô ra vườn hái rau, vặt quả, bòn mót khắp xó. Dù ổi còn xanh, đu đủ còn nhựa, mít còn chát…cô vẫn mang về, có khi cũng chỉ vứt đi, nhưng niềm vui sở hữu sướng khôn tả. Bà có cân giuốc được biếu, nồi cá rô om khế, chắc người già cũng chả ăn hết, cô lại xúc đi một nửa. Vào mùa na, mùa chuối…chợ quê bán rẻ vô cùng, cô mua chất đầy nhà rồi lại mang hết lên Hà Nội. Bà cứ ngồi trước cửa, mắt xa xăm dưới rang chiều, chờ xem con gái có Biếu lại gì không, thái dương bà giần giật, chả phải thèm mà vì căng thẳng, cô mà để cho bà một ít thì bà lại tăng xông mất.
Đấy, ai nói “con gái là con người ta” cơ chứ.
Sau ngày ông bà khuất núi, 3 anh chị em chia 3 phần bằng nhau, xây 2 hàng gạch gọi là ranh giới tượng trưng, mấy chục gốc na, mít với Nhãn vải nằm ở chỗ nào thì vẫn ở đó, chưa chặt phá gì cả. Bác cả vừa là được nhận vừa là bị phân mảnh giữa và căn nhà cũ của ông bà, nhưng khi về ai cũng coi như nhà thờ họ, lo hương hỏa luôn. Cô ở bên, nối với một khoảng đất rất rộng phía sau mà cô đã mua từ trước. Cô vẫn cằn nhằn, mình là phận gái, thôi đành chịu thiệt. Cơ mà có mỗi cô chăm về quê nên mùa nhãn, mùa vải cô cứ thu hoạch sạch trên cả mảnh đất của ông bà ngày xưa.
Cô lại nghĩ cách nuôi gà, nuôi cá, thuê cả Giáo sư Nông nghiệp tư vấn thế là đề án Thực phẩm sạch ra đời. Gà sạch, nghĩ đất quê phì nhiêu, chỉ cho ăn trấu và giun, một tuần ăn thóc 1 lần, nhưng khốn nỗi, dưới gốc nhãn đến cỏ cũng không mọc được, chắc chỉ có xác ve. Thế nên gà mãi không chịu lớn, ít thịt, nhiều lông lắm, lông như cắm vào tận xương, thế nên hôm nhà có giỗ, cô cháu cầm con gà nhẹ bẫng, dội nước sôi, mà cô như thấy đau trong gan, buốt hết cả ruột. Tính giá thành ra thì thịt gà giá như chim công.
Chưa hết, trên đỉnh đồi đất bazan, cô định đào ao, xây gạch xung quanh thả cá sấu ăn dần.
Sau đó mấy năm cô muốn dối già, xây một ngôi nhà thật to giữa khoảnh đất để cả nhà nghỉ ngơi cuối tuần. Chiều dài khảnh đất thì từ chân lên tận đỉnh đồi, nhưng chiều ngang chỉ được chừng 2 chục mét, hẹp lắm, thế nên ngôi nhà mới của cô ghé tường lên hàng rào chung, bậc tam cấp với ô văng thả rọt gianh sang nhà bác cả, chả sao. Chỗ móng ở góc còn tận dụng luôn thành bể phốt hiện tại, tiện quá. Lần sau bác cả về quê, đứng một lá có ý khen cô biết điều một chút rồi đấy, đã phá cái ô văng đi rồi kìa. Nhưng sau nhìn kỹ hóa ra cô có phá, nhưng phá tường, đẩy ra xây bằng đúng mép xuống dưới đất.
Tới hôm hoàn thiện, cô lên nhà chính vác xuống nào giường với bếp gas của bà ngày xưa, bác cả cũng chả ở đây, để không nó phí đi. Hôm nào Bác cả về thì bác sẽ sắm lại, lo gì. Bác đi, nếu có cái gì hay hay, cô sẽ cân nhắc.
Ai có nói, cô lại than khổ, không công ăn việc làm, không sổ bảo hiểm, cô khổ lắm, mọi người có sổ hưu, sướng rồi, phải biết san sẻ, nhường nhịn chứ.
Bác cả sau thương, đành nhường cô dải đất rộng gần mét, áp sát tường nhà, vì cô đã xây rồi, cái giếng mới cô cũng khoan vào mảnh đất của bác cả và cô nói Bác mà xây đúng tim trước đây là cô đạp.
Thôi, miệng chó, vó ngựa, bác đành nhường.
Thôi, miệng chó, vó ngựa, bác đành nhường.
Đấy nhà có bà cô sống khôn thích không. Về sau này đốt rác chắc cô cũng về phù hộ ấy chứ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét